Hướng Dẫn Hạch Toán Chênh Lệch Tỷ Giá Theo Thông Tư 200

Tác giả 18/07/2024 41 phút đọc

Trong bối cảnh của nền kinh tế hiện nay, nghiệp vụ hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái được sử dụng rất nhiều bởi xuất nhập khẩu đang là ngành phổ biến. Bên cạnh hoạt động đó chính là việc mua bán trao đổi ngoại tệ, doanh nghiệp thường xuyên phải giao dịch ngoại hối khi phát sinh các nghiệp vụ kinh tế liên quan. 

Vậy cách hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái sẽ được kế toán thực hiện như thế nào? Hãy cùng Gia Đình Kế Toán theo dõi bài viết ngày hôm nay nhé!

I. Khái Niệm Tỷ Giá Hối Đoái Và Chênh Lệch Tỷ Giá Hối Đoái 

1. Tỷ giá hối đoái là gì?

Tỷ giá hối đoái (hay là tỷ giá trao đổi ngoại tệ, tỷ giá FX, tỷ giá Forex hoặc Agio) là tỷ giá giữa hai loại tiền tệ mà tại đó một đồng tiền này sẽ được trao đổi cho một đồng tiền khác. Ngoài ra, tỷ giá hối đoái cũng được coi là giá cả đồng tiền của một quốc gia được thể hiện bởi một tiền tệ khác.

hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái

Ví dụ: một tỷ giá hối đoái liên ngân hàng của một đồng yên Nhật (JPY, ¥) với một đồng Việt Nam đồng (VND) là 165,0819 có nghĩa là 1 Yên sẽ được trao đổi được 165.0819 VND hoặc 165.0819 VND sẽ đổi được 1 Yên (theo tỷ giá cập nhật mới nhất của Google Finance)

Gọi là giá cả của một đồng tiền tệ vì tỷ giá hối đoái được xác định trong thị trường ngoại hối, mở rộng cho nhiều người mua và người bán khác nhau và là nơi việc trao đổi ngoại tệ là liên tục.

2. Chênh lệch tỷ giá hối đoái là gì?

Căn cứ vào Điều 69 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định khái niệm chênh lệch tỷ giá hối đoái như sau:

Chênh lệch tỷ giá hối đoái là chênh lệch phát sinh từ việc trao đổi thực tế hoặc quy đổi cùng một số lượng ngoại tệ sang đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá hối đoái khác nhau.”

3. Các trường hợp phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái

- Thực tế từ việc mua bán, trao đổi, thanh toán các nghiệp vụ kinh tế thương mại phát sinh bằng ngoại tệ trong kỳ

- Đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ ngay tại thời điểm lập Báo cáo tài chính 

- Chuyển đổi đơn vị tiền tệ trong Báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam.

»»» TOP 10 Khóa Học Kế Toán Ở Đâu Tốt Nhất? 

II. Các Loại Tỷ Giá Sử Dụng Trong Kế Toán 

Các tổ chức, doanh nghiệp có nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ phải thực hiện ghi sổ kế toán và lập Báo cáo tài chính theo một đơn vị tiền tệ (thống nhất là đồng Việt Nam - VND) hay một đơn vị tiền tệ chính thức khác sử dụng trong kế toán. Việc quy đổi đồng ngoại tệ ra đồng Việt Nam phải căn cứ vào:

- Tỷ giá giao dịch thực tế được Ngân hàng trung ương 

- Tỷ giá ghi sổ kế toán

- Khi xác định nghĩa vụ thuế (kê khai, quyết toán và nộp thuế), doanh nghiệp thực hiện theo các quy định của pháp luật về thuế.

III. Nguyên Tắc Áp Dụng Chênh Lệch Tỷ Giá Trong Kế Toán 

1. Khi có những nguyên tắc áp dụng chênh tỷ giá trong kế nghiệp vụ kinh tế bằng ngoại tệ phát sinh, tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm giao dịch phát sinh được sử dụng để quy đổi ra loại tiền tệ ghi sổ kế toán đối với:

- Bên Nợ các Tài khoản tiền (TK 111, 112); Bên Nợ các Tài khoản phải thu (TK 131) trừ trường hợp nhận ứng trước của khách hàng bằng ngoại thì bên Nợ TK này áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh đối với số tiền nhận ứng trước); Bên Nợ các Tài khoản phải trả (TK 331) khi ứng trước tiền cho người bán.

- Bên Có các Tài khoản phải trả (trừ trường hợp ứng trước cho người bán bằng tiền ngoại tệ thì bên Có TK 331 áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh đối với số tiền đã ứng trước); Bên Có các Tài khoản phải thu khi nhận trước tiền của khách hàng.

- Các TK thuộc loại vốn chủ sở hữu;

- Các loại TK phản ánh doanh thu (tài khoản đầu 5), thu nhập khác (tài khoản đầu 7): Riêng với trường hợp bán sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc thu nhập phát sinh có nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập sẽ tương ứng với số tiền nhận trước, được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước tiền. 

Còn phần doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền còn lại được ghi nhận theo tỷ giá ngoại tệ giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập.

- Các TK phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh, quản lý (tài khoản đầu 6), chi phí khác (tài khoản đầu 8): Riêng với trường hợp phân bổ khoản chi phí trả trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh, quản lý trong kỳ kế toán thì chi phí sẽ được ghi nhận theo tỷ giá ngoại tệ giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước tiền.

Lưu ý : không áp dụng theo tỷ giá ngoại tệ giao dịch thực tế tại thời điểm phân bổ vào các loại chi phí.

- Các loại TK phản ánh tài sản (tài khoản đầu 1): Riêng trường hợp mua tài sản có ứng trước tiền cho người bán thì giá trị tài sản sẽ tương ứng với số tiền ứng trước được áp dụng tỷ giá ngoại tệ giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước; Giá trị tài sản tương ứng với số tiền còn lại được ghi nhận theo tỷ giá ngoại tệ giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận tài sản.

⇒ Ngoài ra, bên Có các TK tiền và các loại TK phải thu, bên Nợ các TK phải trả DN có thể áp dụng tỷ giá giao dịch ngoại tệ thực tế

2. Khi phát sinh các giao dịch kinh doanh bằng ngoại tệ, tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với các loại tài khoản sau:

- Bên Nợ TK phải thu (TK 131) khi tất toán khoản tiền nhận trước của người mua, khách hàng khi chuyển giao sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ, TSCĐ cho khách hàng;

- Bên Có TK phải trả (TK 331) khi tất toán khoản tiền ứng trước cho người bán, nhà cung cấp khi nhận được sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ, TSCĐ của bên bán.

- Khi thực hiện các giao dịch kinh tế bằng ngoại tệ, tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán.

- Áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền để hạch toán bên Có các TK tiền, các TK phải thu (ngoại trừ các giao dịch nhận trước tiền của khách hàng); bên Nợ các TK phải trả (ngoại trừ các giao dịch trả trước tiền cho người cung cấp).

»»» REVIEW Học Kế Toán ONLINE Ở Đâu Tốt Nhất? 

IV. Kết Cấu Và Nội Dung Phản Ánh Của Tài Khoản Chênh Lệch Tỷ Giá Hối Đoái - Tk 413 

1. Bên Nợ

- Lỗ tỷ giá do đánh giá lại các tài khoản tiền tệ có gốc ngoại tệ

- Lỗ tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm của quốc gia gắn liền với nhiệm vụ ổn định kinh tế vi, vĩ mô, an ninh - quốc phòng.

- Kết chuyển lãi tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

2. Bên Có

- Lỗ tỷ giá do đánh giá lại các tài khoản tiền tệ có gốc ngoại tệ

- Lỗ tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm của quốc gia gắn liền với nhiệm vụ ổn định kinh tế vi, vĩ mô, an ninh - quốc phòng.

- Kết chuyển lỗ tỷ giá vào chi phí tài chính của doanh nghiệp.

Lưu ý : Tài khoản 413 có thể có số dư bên Nợ hoặc số dư bên Có, trong đó: Số dư bên Nợ thì do lỗ tỷ giá và Số dư bên Có thì do lãi tỷ giá.

3. Tài khoản 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái, có 2 tài khoản loại cấp 2:

- Chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ - TK 4131

- Chênh lệch tỷ giá hối đoái giai đoạn trước hoạt động - TK 4132

V. Cách Xác Định Chênh Lệch Tỷ Giá Ghi Sổ 

1. Tính chênh lệch tỷ giá giữa 2 đồng tiền định giá

Để tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền định giá, người ta sẽ sử dụng công thức như sau:

Yết giá/định giá = (Yết giá/USD) / (Định giá/USD)

2. Tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá

Công thức để tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá:

Yết giá/định giá = (USD/định giá) / (USD/yết giá)

3. Tính tỷ giá giữa đồng tiền yết giá và đồng tiền định giá

Công thức để tính tỷ giá giữa đồng tiền yết giá và đồng tiền định giá:

Yết giá/định giá = (Yết giá/USD) / (USD/định giá)

VI. Cách Hạch Toán Chênh Lệch Tỷ Giá 
 

Hạch toán chênh lệch tỷ giá

1. Hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ kế toán

a. Khi mua vật tư, hàng hóa, cung ứng dịch vụ, TSCĐ bằng ngoại tệ, ghi nhận:

Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 211, 213, 241, 623, 627, 641, 642,... tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày giao dịch

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (khi lỗ tỷ giá hối đoái)

Có các TK 1112, 1122 (theo tỷ giá ghi sổ kế toán)

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (khi lãi tỷ giá hối đoái)

b. Khi mua vật tư, hàng hóa, cung ứng dịch vụ, TSCĐ nhưng chưa thanh toán, khi vay hoặc nhận nợ nội bộ… bằng ngoại tệ, căn cứ vào tỷ giá hối đoái giao dịch, ghi nhận:

Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 156, 211, 627, 641, 642,... (theo tỷ giá ghi sổ kế toán)

Có các TK 331, 341, 336,...

c. Khi ứng trước tiền cho người bán bằng ngoại tệ để mua nguyên vật liệu, hàng hóa, cung ứng dịch vụ, TSCĐ, ghi nhận:

*Kế toán phản ánh số tiền ứng trước cho khách hàng, người mua theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước, ghi nhận:

Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (theo tỷ giá hối đoái thực tế tại ngày ứng trước)

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (khi lỗ tỷ giá hối đoái)

Có các TK 1112, 1122 (theo tỷ giá ghi sổ kế toán)

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (khi lãi tỷ giá hối đoái)

*Khi nhận vật tư, hàng hóa, dịch vụ được cung ứng, TSCĐ từ người bán, kế toán ghi nhận: 

- Đối với việc tương ứng với với số tiền bằng ngoại tệ đã ứng trước cho nhà cung cấp, người bán thì ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước:

Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623,...

Có TK 331 - Phải trả cho người bán (ghi nhận tỷ giá thực tế tại ngày ứng trước)

- Đối với việc nợ chưa thanh toán tiền, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ (ngày giao dịch), kế toán ghi nhận:

Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623,...

Có TK 331 - Phải trả cho người bán (ghi nhận tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)

d. Khi doanh nghiệp thanh toán nợ phải trả bằng ngoại tệ, ghi nhận:

Nợ TK 331, 336, 341,... (tỷ giá ghi sổ kế toán)

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (khi lỗ tỷ giá hối đoái)

Có TK 1112, 1122 (tỷ giá ghi sổ kế toán)

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (khi lãi tỷ giá hối đoái).

e. Khi phát sinh doanh thu, thu nhập khác bằng ngoại tệ, căn cứ vào tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại ngày giao dịch, ghi nhận:

Nợ các TK 1112, 1122, 131… (theo tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)

Có TK 511 (5118), 711 - Doanh thu khác, thu nhập khác (theo tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)

f. Ghi nhận trước tiền của người mua bằng ngoại tệ để cung cấp NVL, hàng hóa, cung ứng dịch vụ, TSCĐ, ghi nhận:

*Kế toán viên phản ánh số tiền nhận trước của người mua, khách hàng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước, ghi nhận:

Nợ TK 1112, 1122 

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng

*Khi doanh nghiệp chuyển giao NVL, hàng hóa, TSCĐ, cung ứng dịch vụ cho người mua, khách hàng kế toán phản ánh theo đúng nguyên tắc: 

- Đối với phần doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền bằng ngoại tệ đã nhận trước của người mua, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước, ghi nhận: 

Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước tiền của người mua)

Có TK 711, 511.

- Đối với phần doanh thu, thu nhập doanh nghiệp chưa thu được tiền, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh, ghi nhận:

Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng

Có TK 711, 511.

g. Khi thu được tiền nợ phải thu bằng đồng ngoại tệ, ghi nhận:

Nợ TK 1112, 1122 (theo tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (khi lỗ tỷ giá hối đoái)

Có TK 131, 136, 138 (theo tỷ giá ghi sổ kế toán)

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (khi lãi tỷ giá hối đoái)

h. Khi doanh nghiệp cho vay, đầu tư bằng ngoại tệ, ghi nhận:

*Khi doanh nghiệp mang ngoại tệ đi ký cược, ký quỹ, ghi nhận:

Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký cược, ký quỹ (theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ)

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (khi có lỗ tỷ giá hối đoái)

Có TK 1112, 1122 (theo tỷ giá ghi sổ kế toán)

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (khi có lãi tỷ giá hối đoái) 

*Khi nhận lại tiền ký cược, ký quỹ, kế toán ghi nhận:

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (khi lỗ tỷ giá hối đoái)

Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký cược, ký quỹ (theo tỷ giá ghi sổ)

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (khi lãi tỷ giá hối đoái)

2. Hạch toán chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ

a. Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán viên đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái giao dịch ở thời điểm thực tế tại thời điểm báo cáo:

- Nếu phát sinh trường hợp lãi tỷ giá hối đoái, ghi nhận:

Nợ TK 1112, 1122, 128, 131, 136, 138, 228, 331, 341,...

Có TK 4131 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái

- Nếu phát sinh trường hợp lỗ tỷ giá hối đoái, ghi nhận:

Nợ TK 4131 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái

Có TK 1112, 1122, 128, 131, 136, 138, 228, 331, 341,...

b. Kế toán viên xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Kế toán kết chuyển toàn bộ khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái và đánh giá lại vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi tỷ giá hối đoái) hoặc vào chi phí tài chính (nếu lỗ tỷ giá hối đoái) để từ đó xác định kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp:

- Kết chuyển lãi tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính vào khoản doanh thu hoạt động tài chính, ghi nhận:

Nợ TK 413(4131) - Chênh lệch tỷ giá hối đoái

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (nếu xảy ra lãi tỷ giá hối đoái)

- Kết chuyển lỗ tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính vào khoản chi phí tài chính, ghi nhận:

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu xảy ra lỗ tỷ giá hối đoái)

Có TK 413 (4131) - Chênh lệch tỷ giá hối đoái

c. Kế toán đánh giá chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện các dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng:

- Doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lãi khi phát sinh được phải ánh vào bên có TK 413 - chênh lệch tỷ giá hối đoái.

- Doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lãi khi phát sinh được phải ánh vào bên có TK 413 - chênh lệch tỷ giá hối đoái.

d. Xử lý khi có số chênh lệch tỷ giá còn lại trên TK 242 - Chi phí trả trước và TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện như sau:

- Các doanh nghiệp chưa phân bổ hết khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này đúng tỷ giá của giai đoạn trước hoạt động (đang được phản ánh trên TK 242 trước thời điểm thông tư này có hiệu lực) thì phải kết chuyển toàn bộ số lỗ chênh lệch tỷ giá vào chi phí tài chính để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, ghi nhận:

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính 

Có TK 242 - Chi phí trả trước

- Các doanh nghiệp chưa phân bổ hết khoản lãi chênh lệch tỷ giá này đúng với tỷ giá của giai đoạn trước hoạt động (đang được phản ánh trên TK 3387 trước thời điểm thông tư này có hiệu lực) phải kết chuyển toàn bộ số lãi chênh lệch tỷ giá vào khoản doanh thu hoạt động tài chính để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, ghi nhận:

Nợ TK 3387 - Doanh thu hoạt động tài chính 

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.

Như vậy, trong bài viết hôm nay, Gia Đình Kế Toán đã chia sẻ đến các bạn kiến thức về hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái và các thông tin có liên quan. Hy vọng những kiến thức trên hữu ích cho các bạn về công việc, học tập. Chúc các bạn luôn thành công!

Tham khảo thêm:

Tác giả Admin
Bài viết trước Hướng Dẫn Định Khoản Các Nghiệp Vụ Kinh Tế Phát Sinh

Hướng Dẫn Định Khoản Các Nghiệp Vụ Kinh Tế Phát Sinh

Bài viết tiếp theo

Quy Định Về Ký Hiệu Hóa Đơn Điện Tử Mới Nhất

Quy Định Về Ký Hiệu Hóa Đơn Điện Tử Mới Nhất
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo