Tài Khoản 131 Là Gì? Cách Hạch Toán Tài Khoản 131 Theo Thông Tư 200

Tác giả 19/07/2024 33 phút đọc

Tài khoản 131 (hay là Phải thu khách hàng) gồm các khoản phải thu mang tính chất thương mại phát sinh từ những giao dịch có tính chất mua - bán của doanh nghiệp, tổ chức như: Bán hàng, cung cấp dịch vụ, đầu tư tài chính hay là cho thuê TSCĐ,... 

Do đó, Tài khoản 131 là tài khoản phải có ở mọi loại hình công ty, doanh nghiệp. Vậy, Tài khoản 131 là gì và cách hạch toán tài khoản 131 chi tiết, chính xác và đầy đủ nhất theo Thông tư 200?

Trong bài viết này, Gia Đình Kế Toán sẽ chia sẻ thông tin và hướng dẫn các bạn cách hạch toán tài khoản 131 theo Thông tư 200 mới nhất. Cùng theo dõi bài viết này nhé!

1. Tài Khoản 131 Là Gì? 

Theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC thì Tài khoản 131 là tài khoản phải thu của khách hàng: Dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp với khách hàng về tiền bán hàng hóa, sản phẩm, các khoản đầu tư tài chính, bất động sản đầu tư, tài sản cố định, cung cấp dịch vụ,... 

Hơn nữa, Tài khoản 131 còn dùng để phản ánh các khoản phải thu của người nhận đầu tư XDCB với người giao thầy về khối lượng công tác XDCB đã được hoàn thành.

Ví dụ về tài khoản 131 :

Bán hàng hóa cho khách giá 500.000 USD, khách hàng chưa thanh toán. Đây là 1 giao dịch có tính chất mua - bán và đối tượng kế toán ở đây sẽ là Hàng hóa và Khách hàng chưa thanh toán với tên tài khoản được ghi vào trong sổ sách kế toán như sau: Hàng hóa - TK 156 và Phải thu khách hàng - TK 131.

2. Nội Dung Và Kết Cấu Tài Khoản 131 

Tài khoản 131 là một trong những tài khoản có mặt ở mọi loại hình doanh nghiệp nên kế toán viên cần nắm vững nội dung và kết cấu của tài khoản này để có thể hạch toán một cách chính xác, chi tiết và đầy đủ. Dưới đây là bảng tóm tắt nội dung và kết cấu tài khoản 131 mọi người cùng theo dõi nhé:

TK 131 - Phải thu khách hàng

Bên NợBên Có

Phát sinh tăng trong kỳ kế toán:

- Số tiền phải thu của khách hàng phát sinh khi bán hàng hóa, sản phẩm, BĐS đầu tư, TSCĐ, cung cấp dịch vụ, các khoản đầu tư tài chính trong kỳ kế toán

- Đánh giá lại các khoản phải thu khách hàng bằng ngoại tệ (với trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam)

- Số tiền trả lại cho khách hàng vì đã thanh toán thừa.

Phát sinh giảm trong kỳ kế toán:

- Số tiền khách hàng đã thanh toán cho doanh nghiệp

- Khoản giảm giá hàng bán cho khách hàng sau khi đã giao hàng xong nhưng khách hàng có khiếu nại

- Số tiền khách hàng đã nhận ứng trước, trả trước 

- Khoản tiền giảm do khách hàng được chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán 

- Doanh thu của hàng bán bị người mua đem trả lại (có hoặc không có thuế GTGT)

- Đánh giá lại các khoản phải thu khách hàng bằng ngoại tệ (với trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam)

Số dư bên Nợ:

- Số tiền còn lại phải thu của khách hàng.

 

Lưu ý: 

Tài khoản 131 là tài khoản lưỡng tính nên có thể có số dư bên Có. Số dư bên Có sẽ phản ánh số đã thu nhiều hơn số phải thu của khách hàng hoặc số tiền nhận trước chi tiết theo từng đối tượng khách hàng cụ thể. Khi lập Bảng Cân đối kế toán, kế toán viên phải lấy số dư chi tiết theo từng đối tượng cụ thể phải thu của tài khoản 131 để ghi cả hai bên chỉ tiêu là "Nguồn vốn" và "Tài sản".

Tài khoản 131 có 3 tài khoản cấp 2 là TK 1311, 1312, 1318 như sau:

+ Tài khoản 1311 - Phải thu phí Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) của các tổ chức tham gia BHTG: Phản ánh số phí BHTG phải thu nếu khách hàng tham gia BHTG;

+ Tài khoản 1312 - Phải thu tiền phạt của các tổ chức tham gia BHTG: Phản ánh số tiền phạt do vi phạm về xác định số phí và thời hạn nộp phí phạt phải thu của tổ chức;

+ Tài khoản 1318 - Phải thu khác của khách hàng: Phản ánh các khoản phải thu khác của khách hàng ngoài các khoản phải thu ở hai tài khoản 1311, 1312.

»»» TOP 10 Khóa Học Kế Toán Ở Đâu Tốt Nhất Hiện Nay 

3. Sơ Đồ Chữ T Tài Khoản 131 

Tài khoản 131 có sơ đồ chữ T theo Thông tư 200 mới nhất như dưới đây:

Sơ đồ hạch toán tài khoản 131

4. Cách hạch toán tài khoản 131 theo Thông tư 200 

Ở phần này, Gia Đình Kế Toán sẽ hướng dẫn chi tiết cho các bạn cách hạch toán tài khoản 131 với một số giao dịch chủ yếu phát sinh trong tổ chức, doanh nghiệp nhé.

a. Khi bán cung cấp dịch vụ, hàng hóa, sản phẩm chưa thu được người mua ngay bằng tiền (kể cả các khoản phải thu về tiền bán hàng xuất khẩu của bên giao ủy thác), kế toán viên sẽ ghi nhận doanh thu:

- Đối với những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, BĐS đầu tư thuộc các đối tượng chịu thuế GTGT, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, kế toán sẽ phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo nguyên giá (chưa có thuế), các khoản thuế gián thu phải nộp được tách riêng ngay khi ghi nhận doanh thu (đối với thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi nhận:

Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng tiền phải thanh toán)

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa tính thuế GTGT)

Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

- Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán viên sẽ ghi nhận doanh thu bao gồm cả khoản thuế phải nộp. Định kỳ kế toán viên xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi nhận:

Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

b. Hạch toán với khoản hàng bán bị người mua trả lại:

Nợ TK 5213 - Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa tính thuế)

Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, ghi chi tiết cho từng loại thuế phải nộp)

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng tiền trừ giống với hóa đơn)

c. Hạch toán khoản chiết khấu thương mại và khoản giảm giá hàng bán:

- Trường hợp khoản tiền chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán đã ghi trực tiếp trên hóa đơn bán hàng, kế toán sẽ phản ánh doanh thu theo giá đã giảm giá, trừ chiết khấu (ghi nhận theo doanh thu thuần) và sẽ không phản ánh riêng khoản giảm giá, trừ chiết khấu;

- Trường hợp trên hóa đơn bán hàng chưa thể hiện số tiền đã chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán do người mua chưa đủ điều kiện để được hưởng hoặc chưa xác định được khoản tiền phải chiết khấu, giảm giá thì doanh thu ghi nhận theo giá chưa trừ chiết khấu (doanh thu gộp). Sau thời điểm kế toán ghi nhận doanh thu, nếu khách hàng đủ điều kiện được hưởng chiết khấu, giảm giá thì phải ghi nhận riêng khoản này để định kỳ điều chỉnh giảm khoản doanh thu gộp, ghi nhận:

Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu (giá bán chưa tính các khoản thuế).

Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng khoản tiền giảm giá).

Cách hạch toán tài khoản 131

d. Khoản tiền chiết khấu thanh toán phải trả cho người mua do người mua thanh toán tiền hàng trước thời hạn đã quy định trong hợp đồng, trừ vào khoản nợ phải thu khách hàng, ghi nhận:

Nợ TK 111, 112, 113 - Tiền mặt, Tiền gửi ngân hàng, Tiền đang chuyển

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (Khoản tiền chiết khấu thanh toán)

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng. 

e. Nhận được khoản tiền do khách hàng trả (kể cả tiền lãi của khoản nợ - nếu có), nhận tiền ứng trước của khách hàng theo hợp đồng bán hàng, cung cấp dịch vụ, ghi nhận:

Nợ TK 111, 112, 113....

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (tổng các khoản tiền lãi nhận được).

Trường hợp nhận ứng tiền trước bằng ngoại tệ thì bên Có TK 131 sẽ ghi theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận khoản tiền ứng trước (theo tỷ giá mua của ngân hàng nơi diễn ra giao dịch)

f. Hạch toán các khoản phải thu của nhà thầu đối với khách hàng liên quan đến hợp đồng xây dựng, ghi nhận:

- Khi hợp đồng xây dựng có các khoản quy định là nhà thầu được thanh toán theo đúng tiến độ kế hoạch xây dựng thực tế:

+ Khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, kế toán căn cứ vào chứng từ được phản ánh từ doanh thu tương ứng với phần công việc thực tế đã hoàn thành (không phải hóa đơn) do nhà thầu tự xác định, ghi nhận:

Nợ TK 337 - Thanh toán theo đúng tiến độ kế hoạch của hợp đồng xây dựng

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

+ Căn cứ vào hóa đơn được lập theo tiến độ kế hoạch để phản ánh số tiền phải trả của khách hàng theo tiến độ kế hoạch đã ghi nhận trong hợp đồng, ghi nhận:

Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng

Có TK 337 - Thanh toán theo đúng tiến độ kế hoạch của hợp đồng xây dựng

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (TK 33311).

- Với trường hợp hợp đồng xây dựng có quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng đã hoàn thành thực tế, khi kết quả thực hiện được xác định một cách đáng tin cậy và đã được phía khách hàng xác nhận, kế toán viên phải lập hóa đơn trên cơ sở phần công việc thực tế đã hoàn thành được khách hàng xác nhận, căn cứ vào hóa đơn, ghi nhận:

Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (TK 33311).

- Số tiền thưởng thu được từ người mua trả phụ thêm cho nhà đấu thầu khi thực hiện hợp đồng đã đạt hoặc vượt một số chỉ tiêu cụ thể đã được ghi trong hợp đồng quy định, ghi nhận:

Nợ TK 131- Phải thu của khách hàng

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (TK 33311).

- Khoản bồi thường thu được từ người mua hay các bên khác để bù đắp cho các chi phí không có trong giá trị hợp đồng (như sự sai sót, sự chậm trễ của người mua và các tranh chấp về những thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng xây dựng), ghi nhận:

Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (TK 33311).

- Khi nhà thầu nhận được khoản tiền thanh toán theo khối lượng công trình đã hoàn thành hoặc khoản tiền đã ứng trước từ người mua, ghi nhận:

Nợ TK 111, 112, 113...

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.

g. Trong trường hợp người mua không thanh toán bằng tiền mà thanh toán bằng hàng hóa, sản phẩm (theo phương thức trao đổi hàng cho nhau), căn cứ vào giá trị hàng hoá nhận trao đổi (tính theo giá trị ghi trong Hóa đơn GTGT hoặc Hóa đơn bán hàng) trừ vào tổng số nợ phải thu của khách hàng, ghi nhận:

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ

Nợ TK 156 - Hàng hóa

Nợ TK 611- Mua hàng (hàng tồn kho hạch toán theo phương pháp KKĐK)

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.

h. Khi phát sinh khoản nợ phải thu khó đòi thực sự không thể thu nợ được mà kế toán phải xử lý xóa sổ, căn cứ vào biên bản xử lý xóa nợ, ghi nhận:

Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (TK 2293) (số đã lập dự phòng)

Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (số chưa được lập dự phòng)

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.

i. Hạch toán các khoản phải thu về chi phí ủy thác tại bên nhận ủy thác xuất nhập khẩu

Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (TK 5113)

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (TK 33311)

j. Khi kế toán viên lập Báo cáo tài chính, số dư nợ phải thu của khách hàng bằng ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập Báo cáo tài chính trong kỳ kế toán:

- Nếu tỷ giá ngoại tệ tăng so với tỷ giá Đồng Việt Nam thì kế toán viên ghi nhận:

Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng

Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (TK 4131).

- Nếu tỷ giá ngoại tệ giảm so với tỷ giá Đồng Việt Nam thì kế toán viên ghi nhận:

Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (TK 4131)

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.

Trong bài viết Gia Đình Kế Toán đã chia sẻ kiến thức cũng như hạch toán một số nghiệp vụ chủ yếu phát sinh trong doanh nghiệp của tài khoản 131. Hy vọng những thông tin trên giúp ích cho các bạn trong quá trình công tác, làm công việc kế toán. Chúc mọi người công tác thành công! Xem thêm:

Tác giả Admin
Bài viết trước So Sánh Chuẩn Mực Kế Toán Việt Nam Và Quốc Tế

So Sánh Chuẩn Mực Kế Toán Việt Nam Và Quốc Tế

Bài viết tiếp theo

Hướng Dẫn Kê Khai Thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT) Mới Nhất

Hướng Dẫn Kê Khai Thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT) Mới Nhất
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo