Hướng Dẫn Đọc Bảng Cân Đối Kế Toán Cho Người Mới
Đối với những ai mới làm quen với kế toán, việc đọc và hiểu bảng cân đối kế toán có thể gây không ít bối rối. Tuy nhiên, đây lại là báo cáo tài chính cực kỳ quan trọng của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
Trong bài viết Hướng Dẫn Đọc Bảng Cân Đối Kế Toán Cho Người Mới, Gia đình Kế toán sẽ giúp bạn từng bước đọc các chỉ tiêu chính, nắm bắt cấu trúc bảng cân đối và rèn luyện kỹ năng phân tích số liệu tài chính một cách dễ dàng, thực tế và logic nhất.
1. Mục đích của việc đọc bảng cân đối kế toán
Việc đọc hiểu bảng cân đối kế toán không chỉ đơn thuần là nắm bắt số liệu, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc đánh giá toàn diện sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể:
- Phân tích tình hình tài chính thực tế:
Các số liệu trình bày trên bảng cân đối kế toán cung cấp bức tranh chi tiết về cơ cấu tài sản, nguồn vốn và mức độ an toàn tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm xác định.
- Xác định nguồn gốc tài sản và tình trạng sử dụng nguồn vốn:
Bảng cân đối cho thấy doanh nghiệp đã hình thành tài sản từ đâu – vốn tự có, vay mượn hay các khoản phải trả – và phân bổ chúng như thế nào giữa tài sản ngắn hạn, dài hạn.
- Đưa ra nhận định tổng quan về năng lực tài chính:
Việc phân tích bảng cân đối giúp nhà quản trị, nhà đầu tư hoặc cơ quan chức năng đánh giá nhanh khả năng thanh toán, mức độ ổn định và triển vọng tài chính của doanh nghiệp.
- Kiểm soát việc tuân thủ chính sách tài chính, kế toán:
Thông qua số liệu trên bảng cân đối, doanh nghiệp và các bên liên quan có thể kiểm tra mức độ tuân thủ quy định về chế độ tài chính, kế toán theo chuẩn mực hiện hành.
2. Kết cấu bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán bao gồm hai phần: Tài sản và Nguồn vốn, mối quan hệ giữa Tài sản và Nguồn vốn luôn có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Tài sản, theo quan điểm kế toán, đại diện cho các nguồn lực doanh nghiệp kiểm soát và có khả năng mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai (theo VAS 01). Nguồn vốn thể hiện nguồn gốc hình thành tài sản có thể bao gồm vốn góp từ chủ sở hữu và vốn vay (nợ phải trả). Vì vậy, mối quan hệ cơ bản trong kế toán là: Tổng tài sản luôn bằng Tổng nguồn vốn.
TỔNG TÀI SẢN = TỔNG NGUỒN VỐN
Cụ thể hơn:
Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu
Sự cân đối này áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp. Kết cấu trên Bảng cân đối kế toán có quy định chung là Tài sản được sắp xếp ở phía trên với độ thanh khoản giảm dần và Nguồn vốn được sắp xếp ở phía dưới gồm nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
3. Các kỹ thuật trong cách đọc bảng cân đối kế toán
Có 2 kỹ thuật trong cách đọc bảng cân đối kế toán:
- Kỹ thuật phân tích theo chiều ngang:
Sử dụng để đánh giá và so sánh các chỉ tiêu trong Bảng Cân đối kế toán trong cùng kỳ.
Kỹ thuật này giúp xác định sự thay đổi của các chỉ tiêu để đánh giá tăng, giảm hoặc tính ổn định, xác định tỷ lệ thay đổi phần trăm so với thời điểm trước đó.
- Kỹ thuật phân tích theo chiều dọc: Áp dụng để tính toán và xác định tỷ lệ phần trăm hiển thị cơ cấu hoặc tỷ trọng của một mục tiêu/chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán so với tổng số hoặc chỉ tiêu được sử dụng làm cơ sở trên bảng cân đối kế toán.

4. Hướng dẫn đọc bảng cân đối kế toán cho người mới
Bước 1: Đọc số liệu tổng quan, thông tin cơ bản để nắm được quy mô, cơ cấu, cách bố trí tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp.
Bước 2: Đọc số liệu chi tiết, các khoản mục quan trọng trên bảng cân đối kế toán để có nhận định rõ ràng hơn về cách thu xếp vốn và bố trí tài sản trong doanh nghiệp.
Bước 3: Phân tích, nhận định cơ bản đánh giá tình trạng doanh nghiệp thông qua bảng cân đối kế toán.
Một số chỉ tiêu tài chính cơ bản và cách tính:
Tỷ số về khả năng thanh toán
Tỷ số hiện hành = TS ngắn hạn / Nợ ngắn hạn (lần)(>1): Hệ số càng cao, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn càng lớn, rủi ro tài chính càng thấp
Tỷ số thanh toán nhanh = (TS ngắn hạn – Hàng tồn kho)/ Nợ ngắn hạn (lần) (>= tỷ số ngành): Tỷ số càng cao cho thấy khả năng thanh toán nhanh càng tốt
Hệ số cơ cấu nguồn vốn
Hệ số nợ = (Nợ phải trả / Tổng nguồn vốn) * 100% (%): Đánh giá cấu trúc tài chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn tự có hay vốn đi vay hơn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư tài sản
Hệ số VCSH = Tổng Vốn chủ sở hữu / Tổng Tài sản (lần)
Tỷ lệ Nợ / Vốn CSH (D/E ratio) = Nợ phải trả / Vốn chủ sở hữu (lần): Đánh giá đòn bẩy tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp
Tỷ lệ D/E cao cho thấy doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Nếu D/E liên tục cao trong một thời gian dài cho thấy khả năng trả nợ của doanh nghiệp khó khăn.
Ngoài ra, bạn sử dụng các thông tin từ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để có thể tính toán các hệ số đo lường hiệu quả hoạt động như: vòng quay hàng tồn kho, số ngày lưu kho bình quân, vòng quay các khoản phải trả, vòng quay các khoản phải thu, kỳ thu tiền bình quân, kỳ trả tiền bình quân…
5. Ví dụ minh họa áp dụng
Trong ví dụ trên, công ty làm về dịch vụ kiểm toán có các hoạt động chính như: dịch vụ kiểm toán, đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết…
Như vậy, có thể dự đoán và đánh giá rằng công ty dịch vụ nên quy mô hàng tồn kho có thể thấp hoặc không có (nếu đọc BCTC của một công ty thương mại hay sản xuất… sẽ thấy những con số này rất khác), tài sản cố định hữu hình quy mô thấp hơn so với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thông thường, các khoản mục về đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn có thể chiếm tỷ trọng lớn…
Các bước phân tích:
Bước 1: Đọc số liệu tổng quan
Đầu tiên, ta sẽ nhìn ngay chỉ tiêu Tổng tài sản (chỉ tiêu 270), Tổng nguồn vốn (chỉ tiêu 440) để biết quy mô tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp. Thông thường, chỉ tiêu Tổng tài sản,
Tổng nguồn vốn càng lớn thì cho thấy quy mô về vốn và tài sản của doanh nghiệp càng lớn.
Tiếp theo, ta sẽ nhìn sang số liệu Tổng tài sản ngắn hạn (chỉ tiêu 100), Tổng tài sản dài hạn (chỉ tiêu 200), Tổng nợ phải trả (chỉ tiêu 300), Tổng Vốn chủ sở hữu (chỉ tiêu 400) để đánh giá cơ cấu Tài sản và cơ cấu Nguồn vốn.
Qua các số liệu như bảng trên, ta có thể có những nhận định đầu tiên như sau:
Công ty đầu tư nhiều vào tài sản dài hạn. Điều này khá phù hợp với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kiểm toán với hoạt động chính là đầu tư, không có hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn thấp.
Công ty hầu như sử dụng Vốn chủ sở hữu mà không sử dụng Nợ vay, công ty phát triển chủ yếu dựa vào vốn chủ sở hữu và công ty sử dụng đòn bẩy tương đối thấp.
Bước 2: Đọc số liệu chi tiết
Tính toán và đánh giá chi tiết số liệu các chỉ tiêu, khoản mục trong từng mục Tài sản và Nguồn vốn, tập trung vào các số liệu quan trọng (số liệu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số).
Phần tài sản:
Tài sản của Công ty tập trung chủ yếu vào Đầu tư tài chính ngắn và dài hạn. Trong kỳ, công ty phát sinh thêm khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (khoản mục 123) số tiền 20 tỷ và giảm khoản đầu tư tài chính dài hạn chi tiết khoản mục Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết khoảng 7,8 tỷ. Công ty đầu tư nhiều vào tài sản dài hạn.
Tỷ lệ TSCĐ rất thấp (chiếm chưa đến 1% trong tổng giá trị tài sản dài hạn ngày 30/6/2021), tỷ lệ các khoản đầu tư dài hạn là trên 93% phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh chính hiện thời, điều này phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo giữa niên độ cho thấy mức trích lập dự phòng tài chính dài hạn tăng khoảng trên 2 tỷ đồng. Bạn cần tham khảo thêm Thuyết minh BCTC để đánh giá về danh mục và đặc biệt chất lượng các khoản đầu tư của công ty.
Công ty chuyên cung cấp dịch vụ nên hàng tồn kho = 0 (không có hàng tồn kho).
Tỷ số về khả năng thanh toán (tỷ số hiện hành) rất cao (khoảng 10) cho thấy khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cao và rủi ro tài chính thấp. Ngoài ra, có thể thể đánh giá thêm về tính thanh khoản của doanh nghiệp qua chỉ tiêu Tiền và các khoản tương đương tiền.
Phần nguồn vốn:
Các hoạt động đầu tư tài chính của công ty chủ yếu được tài trợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu. Hệ số VCSH ~ 0,98/1 thể hiện 1 đồng tài sản được đầu tư bởi 0,98 đồng từ vốn chủ.
Trong kỳ không có sự tăng giảm (biến động) từ vốn góp của chủ sở hữu (vốn góp 144 tỷ). Các chỉ tiêu chi tiết thuộc Nguồn vốn đều ổn định, không có sự biến động, ngoại trừ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Số liệu cho thấy doanh nghiệp đang bị lỗ lũy kế, tuy nhiên tình hình kinh doanh có khả quan hơn, đã có lãi làm cho số lỗ lũy kế giảm.
Bước 3: Một số phân tích, nhận định cơ bản
Thứ nhất, cần đánh giá mức độ cân đối giữa Tài sản ngắn hạn với Nguồn vốn ngắn hạn, cũng như giữa Tài sản dài hạn và Nguồn vốn dài hạn. Khi hai cặp chỉ tiêu này duy trì trạng thái cân bằng, doanh nghiệp có nền tảng tài chính ổn định. Ngược lại, nếu doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư vào tài sản dài hạn, sẽ tiềm ẩn rủi ro thanh khoản do chênh lệch kỳ hạn. Trái chiều, nếu nguồn vốn dài hạn lại dùng để tài trợ tài sản ngắn hạn, sẽ dẫn tới sự lãng phí tài chính vì chi phí vay dài hạn thường cao hơn ngắn hạn.
Thứ hai, cần đi sâu phân tích từng nhóm tài sản và nguồn vốn, bằng cách xem xét tỷ trọng của từng khoản mục trong tổng thể nhóm đó. Qua đó, người đọc có thể nhận diện rõ những loại tài sản hoặc nguồn vốn nào đang chiếm tỷ trọng lớn, giữ vai trò trọng yếu trong cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.
Thứ ba, việc theo dõi sự biến động của tài sản và nguồn vốn qua các kỳ kế toán cũng rất quan trọng. Nếu các khoản mục tài sản và nguồn vốn đều tăng trưởng so với đầu kỳ và có sự phát triển đồng đều, điều này phản ánh sự mở rộng quy mô và tiềm lực tài chính tích cực của doanh nghiệp.
Ngược lại, nếu ghi nhận sự sụt giảm hoặc tăng trưởng không cân đối giữa các nhóm chỉ tiêu, cần tiến hành phân tích sâu nguyên nhân để xác định các yếu tố ảnh hưởng, từ đó đề xuất các biện pháp điều chỉnh kịp thời trong chiến lược kinh doanh và tài chính.
Bảng cân đối kế toán không chỉ đơn thuần là những con số, mà còn là bức tranh tổng thể phản ánh sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp. Qua bài viết trên của Gia đình Kế toán, hy vọng bạn đã nắm được cách đọc bảng cân đối kế toán.
>>> Xem thêm: Cách Lập Bảng Cân Đối Kế Toán Theo Thông Tư 200, 133