Những công việc kế toán và nhân sự phải làm trong tháng 12/2018
Cuối năm công việc của kế toán và nhân sự khá bận rộn. Dưới đây Gia đình kế toán giới thiệu tới bạn đọc 6 công việc mà bộ phận kế toán và nhân sự trong doanh nghiệp phải hoàn thành trong tháng 12/2018
1. Thông báo tình hình biến động lao động: Thông báo trước ngày 03/12/2018
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 – Thông tư hướng dẫn thực hiện điều 52 của luật việc làm và một số điều của nghị định số 25/2015/NĐ-CP ngày 12/03/2015 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp
Trích:
“2. Trước ngày 03 hàng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư này với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).”
2. Nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân tháng 11/2018 (nếu có) đối với doanh nghiệp khai thuế theo tháng: Hạn cuối là ngày 20/12/2018
Căn cứ pháp lý: Điểm a Khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 – Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý thuế; luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật quản lý thuế và nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013
Trích:
“3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
a) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tháng chậm nhất là ngày thứ 20 (hai mươi) của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.”
3. Nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tháng 11/2018 (nếu có) đối với doanh nghiệp khai thuế theo tháng: Hạn cuối là ngày 20/11/2018
Căn cứ pháp lý: Điểm a Khoản 3 Điều 10 và Điểm a Khoản 2 Điều 11 Thông tư 156/2013.
Trích:
“2. Khai thuế giá trị gia tăng
a) Khai thuế giá trị gia tăng là loại khai thuế theo tháng trừ các trường hợp hướng dẫn tại điểm b, c, d khoản này.
b) Khai thuế giá trị gia tăng theo quý.
…
c) Khai thuế giá trị gia tăng tạm tính theo từng lần phát sinh đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.
d) Khai thuế giá trị gia tăng theo từng lần phát sinh đối với thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên doanh số của người kinh doanh không thường xuyên.”
4. Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 39/2014/TT-BTC thực hiện nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng: Hạn cuối là ngày 20/12/2018
Căn cứ pháp lý: Điều 27 Thông tư 39/2014 và Khoản 4 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014.
Trích khoản 4 Điều 5 Thông Tư 119/2014/TT-BTC
"4. Sửa đổi khổ thứ hai Điều 27 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“Riêng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư này thực hiện nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng.”
5. Đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng: Hạn cuối là ngày 31/12/2018
Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 7 của Quy trình kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 – Quyết định ban hành quy trình thu báo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – Bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, hẻ bảo hiểm y tế.
“Điều 7. Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
- Đóng hàng tháng
Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
…”
6. Cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động: Đóng kinh phí công đoàn, dù doanh nghiệp có hay chưa có tổ chức Công đoàn vẫn phải nộp 2% trên quỹ tiền lương là căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào kinh phí Công đoàn.
Căn cứ pháp lý: Điều 5 và Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 – Nghị định quy định chi tiết về tài chính công đoàn
“Điều 5. Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn
Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công
an nhân dân.”
X
Xem thêm bài viết: Quy định các loại hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP