Hộ Kinh Doanh Là Gì? Các Loại Thuế Hộ Kinh Doanh Phải Nộp
Trong quá trình tham gia kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ, việc lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp và hiểu rõ về các yêu cầu pháp lý liên quan là một bước quan trọng và không thể bỏ qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về các loại hình hộ kinh doanh cũng như các khoản nộp thuế tương ứng mà họ cần phải tuân thủ.
Trong bài viết này, hãy cùng Gia đình Kế toán tìm hiểu rõ hơn về Hộ Kinh Doanh Là Gì? Các Loại Thuế Hộ Kinh Doanh Phải Nộp nhé!
I. Hộ kinh doanh là gì?
Khái niệm
Theo Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh”
Hộ kinh doanh và Công ty khác nhau như thế nào?
Ví dụ: Khi bạn đăng ký mở cửa hàng bán các loại hàng hóa hoặc gia đình bạn kinh doanh các loại dịch vụ, nhà hàng… với quy mô nhỏ, vốn ít thì được gọi chung là hộ kinh doanh.
II. Các loại hình hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh bao gồm 2 loại
- Hộ kinh doanh do 1 cá nhân đăng ký thành lập
+ Do 1 cá nhân làm chủ hộ kinh doanh
+ Chủ hộ kinh doanh có toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh đó
- Hộ kinh doanh các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập
+ Do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ thì hộ kinh doanh thuộc sở hữu của nhiều chủ
+ Các thành viên trong hộ gia đình hoặc trong nhóm quyết định hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh
+ Đối với hoạt động kinh bên ngoài gia đình sẽ cử 1 thành viên đại diện để tham gia giao dịch
>>Xem thêm: Thủ Tục Đăng Ký Hộ Kinh Doanh Cá Thể
III. Các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp
Theo quy định của nhà nước về quản lý thuế, hộ kinh doanh cần phải nộp 3 loại thuế chính bao gồm:
- Thuế (lệ phí) môn bài hàng năm.
- Thuế giá trị gia tăng (GTGT).
- Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Bên cạnh ba loại thuế này, hộ kinh doanh còn có thể cần đóng một số khoản thuế khác như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường,… nếu kinh doanh các mặt hàng chịu thuế liên quan.
1. Thuế (lệ phí) môn bài là gì? Cách tính thuế môn bài
Nghị định 139/2016/NĐ-CP tại Khoản 2 Điều 4 và Nghị định 22/2020/NĐ-CP điểm c, khoản 1, Điều 1 quy định về mức thu lệ phí môn bài đối với thuế hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, mức lệ phí được tính dựa theo doanh thu bình quân hàng năm của hộ kinh doanh, cụ thể như sau:
- Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm thì lệ phí môn bài là 1 triệu đồng/năm.
- Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm thì lệ phí môn bài là 500 ngàn đồng/năm.
- Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm, lệ phí môn bài là 300 ngàn đồng/năm.
- Doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống; hộ gia đình kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định; hộ kinh doanh sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, được miễn lệ phí môn bài.
Hộ kinh doanh thành lập sau ngày 25/02/2020 thì được miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên.
Ví dụ 1: Hộ kinh doanh của chị Mai thành lập tháng 5/2022 (sau ngày 25/02/2020) thì theo luật định sẽ được miễn lệ phí môn bài năm 2022.
Ví dụ 2: Cũng ví dụ trên, qua năm 2023 thì nếu doanh thu của hộ kinh doanh của chị Mai là 400 triệu đồng thì mức thuế môn bài anh L phải nộp là 500.000 đồng/ 1 năm.
2. Cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của hộ cá thể được tính theo phương pháp thuế khoán.
Trường hợp hộ cá thể không cần phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN: doanh thu có tính thuế của hộ kinh doanh từ 100 triệu/năm trở xuống.
Trường hợp hộ cá thể nộp thuế khoán không trọn năm bao gồm: hộ mới bắt đầu kinh doanh; kinh doanh theo thời vụ; ngừng/nghỉ kinh doanh thì doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định không phải nộp thuế GTGT, TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm.
Số thuế GTGT hộ kinh doanh phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN hộ kinh doanh phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó, doanh thu tính thuế (thuộc diện tính thuế) là toàn bộ tiền bán hàng, tiền hoa hồng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả:
(1) Các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, khoản thu từ chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền.
(2) Các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định.
(3) Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, tiền bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân).
(4) Doanh thu khác mà hộ, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu được tiền.
Tỷ lệ % thuế tính trên doanh thu bao gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng trên từng lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Nếu HKD đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề, chủ hộ tiến hành khai và tính thuế theo tỷ lệ áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề.
Chi tiết thông tin bạn có thể tham khảo theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC
Thời điểm xác định doanh thu tính thuế khoán: từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế.
Đối với HKD nộp thuế khoán mới ra kinh doanh (không hoạt động kinh doanh từ đầu năm) hoặc HKD thay đổi quy mô, ngành nghề trong năm, thời điểm xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong phạm vi 10 ngày tính từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc ngày thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh.
Đối với HKD tính thuế theo hóa đơn, thời điểm xác định doanh thu là ngày hoàn thành dịch vụ, bàn giao hàng hóa, hoặc nghiệm thu công trình.
Nếu HKD nộp thuế khoán được thông báo số thuế khoán phải nộp từ cơ quan thuế. Nếu HKD kinh doanh không trọn năm thì thuế khoán phải nộp được giảm tương ứng với số tháng dừng hoặc nghỉ kinh doanh trong năm đó.
Cách tra cứu mã số thuế hộ kinh doanh:
Bước 1: Truy cập website của Tổng cục thuế Việt Nam
Bước 2: Điền thông tin kiểm tra mã số thuế hộ kinh doanh
Tại bước này, chọn tra cứu thông tin về người nộp thuế. Bạn cần nhập một trong các thông tin gồm:
+ Mã số thuế hộ kinh doanh cá thể
+ Tên tổ chức cá nhân nộp thuế.
+ Số chứng minh thư/Thẻ căn cước người đại diện.
Sau khi nhập thông tin để tra cứu xong, điền mã xác nhận và nhấn Tra cứu để xem thông tin
Bước 3: Nhập mã xác nhận
Tại bước này, doanh nghiệp cần nhập mã xác nhận có sẵn trên hệ thống để bắt đầu tiến hành tra cứu thông tin
Bước 4: Kiểm tra kết quả tìm kiếm
Sau khi ấn nút “Tra cứu”, kết quả tra cứu được hiển thị bao gồm các thông tin:
+ Mã số thuế
+ Tên người nộp thuế.
+ Cơ quan thuế.
+ Số CMT/Thẻ căn cước.
+ Ngày thay đổi thông tin gần nhất.
+ Ghi chú tình trạng hoạt động hiện tại
Phương pháp tính thuế:
Hộ kinh doanh áp dụng phương pháp tính thuế khác nhau tùy theo quy mô, lĩnh vực, ngành nghề, cụ thể như sau:
Phương pháp kê khai: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn và chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định.
Phương pháp khoán: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và phương pháp từng lần phát sinh.
Phương pháp đối với trường hợp khai thay nộp thay: Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trong trường hợp: Thuê tài sản; Hợp tác kinh doanh;…
Phương pháp đối với trường hợp đặc thù: Cá nhân cho thuê tài sản; Cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp.
Tham khảo: Khóa học Kế toán Hộ kinh doanh cá thể
4. Nghĩa vụ kê khai thuế
Theo Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau:
- Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
5. Những ưu đãi về thuế cho hộ kinh doanh
Nguyên tắc tính thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau:
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Những câu hỏi thường gặp:
1. Những loại thuế hộ kinh doanh cá thể cần phải nộp là gì?
Theo quy định, hộ kinh doanh cá thể cần phải nộp 3 loại thuế chính bao gồm: thuế môn bài hàng năm, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Bên cạnh ba loại thuế này, hộ kinh doanh cá thể còn có thể cần đóng một số khoản thuế khác như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường,… nếu kinh doanh các mặt hàng chịu thuế liên quan.
2. Thời điểm xác định doanh thu tính thuế môn bài cho hộ kinh doanh cá thể là khi nào?
Theo quy định các hộ kinh doanh thành lập sau ngày 25/02/2020 sẽ được miễn thuế môn bài năm đầu tiên. Vì thế, thời điểm bắt đầu xác định doanh thu tính thuế môn bài là từ tháng 1 của năm tiếp theo sau năm thành lập.
3. Mở cửa hàng tạp hóa có cần đăng ký hộ kinh doanh cá thể hay không?
Có. Vì theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các trường hợp kinh doanh sẽ không phải đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;
- Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp.
Lưu ý: Nếu mở cửa hàng tạp hóa mà không đăng ký hộ kinh doanh sẽ bị phạt từ 5.000.000đ - 10.000.000đ (Căn cứ theo điểm C Khoản 1 Điều 62 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).
4. Ai được phép thành lập hộ kinh doanh?
Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp sau đây:
- Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan
Trên đây là những chia sẻ kiến thức của Gia đình kế toán về Hộ kinh doanh là gì? các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp . Hy vọn g bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn trong quá trình tìm hiểu và tham gia vào việc kinh doanh.
Xem thêm: Khóa Học Kế Toán Hộ Kinh Doanh Cá Thể: Học Ở Đâu Tốt?