Kê Khai Thuế GTGT - Quy Định Và Cách Kê Khai Chi Tiết

Biên tập viên Tác giả Biên tập viên 04/03/2024 31 phút đọc

Bạn có biết rằng các doanh nghiệp kê khai thuế GTGT đóng góp khoảng 40% tổng thu ngân sách nhà nước? Thuế GTGT là một loại thuế quan trọng đối với ngân sách nhà nước và kê khai thuế GTGT là nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về thuế GTGT và cách kê khai thuế GTGT phải nộp một cách chính xác và hiệu quả.

Trong bài viết này, Gia Đình Kế Toán sẽ giúp bạn làm sáng tỏ về các khái niệm, thông tư quy định và hướng dẫn kê khai thuế GTGT chi tiết nhất. Hãy cùng theo dõi bài viết nhé!

1. Kê khai thuế GTGT là gì? 

Kê khai thuế GTGT là gì? là một câu hỏi mà nhiều người làm kinh doanh quan tâm. Như thông tin mới nhất từ Chính phủ, ngày 01/7/2023 chính thức giảm thuế GTGT xuống 8%. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu lần lượt các khái niệm như Thuế GTGT và kê khai thuế GTGT.

Theo Điều 2 của Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế giá trị gia tăng (GTGT hay VAT) là loại thuế được tính từ phần giá trị tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ được phát sinh từ khâu sản xuất và lưu thông đến tiêu dùng.

Thực chất thuế GTGT là một loại thuế gián thu và tiền thuế được cấu thành ngay trong giá cả của hàng hóa, dịch vụ. Do đó, người tiêu dùng chính là người cuối cùng phải chịu thuế GTGT và người nộp thuế chỉ là người kê khai, thực hiện nộp thay cho người tiêu dùng trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Như vậy, chúng ta có thể thấy thuế giá trị gia tăng là loại thuế có phạm vi tác động rất rộng, được đánh vào hầu hết tất cả các loại hàng hóa dịch vụ có trên thị trường.

Đối với kê khai thuế GTGT được quy định tại Điều 14 của Luật Thuế giá trị gia tăng thì có khái niệm như sau: Kê khai thuế GTGT là việc các đơn vị, tổ chức kinh doanh phải tự tính và khai báo số thuế GTGT phải nộp hoặc được hoàn trả cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.

Kê khai thuế GTGT có thể được thực hiện qua các hình thức sau (theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC):

Kê khai thuế GTGT trực tuyến qua mạng Internet theo quy định của Bộ Tài chính

Kê khai thuế GTGT bằng giấy theo mẫu số 01/GTGT.

Bên cạnh đó, kê khai thuế GTGT phải được thực hiện đúng thời hạn, đầy đủ, trung thực và chính xác các thông tin về số thuế GTGT đầu vào, số thuế GTGT đầu ra hay số thuế phải nộp hoặc được hoàn trả. Đây là nghĩa vụ của các đơn vị, tổ chức kinh doanh để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của việc thu hồi nguồn lực cho ngân sách nhà nước.

Do đó, chỉ trừ trường hợp đã chấm dứt hoạt động nghĩa vụ thuế, nếu không, người nộp thuế vẫn phải kê khai thuế cho cơ quan thuế đúng thời hạn quy định dù thuộc diện hợp hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế hay không phát sinh nghĩa vụ thuế trong kỳ.

cach-ke-khai-thue-gtgt

2. Thông tư hướng dẫn kê khai thuế GTGT 

Thông tư hướng dẫn kê khai thuế GTGT là văn bản do Bộ Tài chính ban hành để quy định chi tiết về các hình thức, nội dung, thời hạn và cách thức kê khai thuế GTGT của các đơn vị kinh doanh. Hiện nay, thông tư và nghị định hướng dẫn kê khai thuế GTGT được ban hành gồm có:

  • Mới nhất là Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021, có hiệu lực từ ngày 15/7/2021 và áp dụng cho kỳ thuế từ năm 2022. Thông tư được sửa đổi, bổ sung một số điểm so với Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015, nhằm phù hợp với các quy định với của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
  • Thông tư số 26/2015/TT-BTC
  • Nghị định số 126/2020/NĐ-CP
  • Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng…

3. Kỳ kê khai thuế GTGT 

Kỳ kê khai thuế GTGT là khoảng thời gian mà các tổ chức, đơn vị kinh doanh phải tự khai báo số thuế GTGT phải nộp hoặc được hoàn trả cho cơ quan thuế. Do đó, để tiện theo dõi và quản lý, tổ chức, đơn vị kinh doanh có thể kê khai thuế GTGT là tháng hoặc quý tùy theo doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ năm trước. Cụ thể như sau:

  • Đối với đơn vị kinh doanh có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trên các giấy tờ kê khai thuế GTGT của năm trước liền kề từ 50 tỷ trở xuống thì được lựa chọn kê khai thuế GTGT theo tháng hoặc theo quý từ năm tiếp theo; doanh nghiệp mới thành lập.
  • Đối với đơn vị kinh doanh có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trên các giấy tờ khai thuế GTGT của năm trước liền kề lớn hơn 50 tỷ đồng thì buộc phải kê khai thuế GTGT theo tháng.

Thời hạn kê khai thuế GTGT là:

  • Đối với kỳ hạn kê khai là tháng: Trước ngày 20 của tháng tiếp theo.
  • Đối với kỳ hạn kê khai là quý: Trước ngày 30 của tháng tiếp theo.

Lưu ý khi tiến hành kê khai thuế GTGT:

Trong suốt năm dương lịch, doanh nghiệp có quyền lựa chọn kê khai thuế theo tháng hoặc quý nếu xác định thuộc đối tượng kê khai thuế GTGT theo quý.

Đối với trường hợp kê khai thuế GTGT bằng văn bản theo mẫu thì:

  • Sử dụng mẫu 01/ĐK-TĐKTT tại Phụ lục I của Nghị định 126 nếu doanh nghiệp đang kê khai thuế theo tháng nhưng đủ điều kiện và muốn chuyển sang kê khai theo quý. Thời hạn muộn nhất để nộp văn bản đề nghị chuyển hình thức kê khai là 31/1 của năm bắt đầu kê khai theo quý.
  • Sử dụng mẫu 02/XĐ-PNTT tại Phụ lục I của Nghị định 126 nếu doanh nghiệp phát hiện không đủ điều kiện kê khai theo quý.

4. Các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT

Các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT được quy định tại Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, được bổ sung bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 193/2015/TT-BTC ngày 27/11/2015. Cụ thể:

  • Các tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất đai và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác
  • Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, gồm các trường hợp: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị; xúc tiến đầu tư và thương mại; quảng cáo, tiếp thị; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài; đào tạo; cho thuê máy móc, thiết bị; cho thuê phần mềm; cho thuê phim; cho thuê kênh truyền hình; cho thuê quyền sử dụng công nghệ; cho thuê quyền sử dụng bản quyền tác giả và các quyền liên quan
  • Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản
  • Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT cho doanh nghiệp khác, hợp tác xã
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm nông nghiệp chưa chế biến hoặc chỉ qua sơ chế cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại
  • Tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT
  • Tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

cach-ke-khai-thue-gtgt

Đó là các trường hợp không phải kê khai thuế GTGT. Vậy đối với hàng hóa không chịu thuế GTGT có phải kê khai thì như thế nào?

Đối với hàng hóa không chịu thuế GTGT, khi xuất hóa đơn GTGT, người bán cần ghi rõ dòng giá bán là “giá không có thuế GTGT”, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ. Đồng thời, khi mua vào hoặc bán ra, đơn vị kinh doanh không cần phải kê khai trên Bảng kê hóa đơn mua vào (PL01-2/GTGT) hoặc Bảng kê hóa đơn bán ra (PL01-1/GTGT) theo quy định của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 và Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014.

Lưu ý: Với những hàng hóa không chịu thuế GTGT, đơn vị kinh doanh vẫn phải lập chứng từ thu hoặc chi tiền theo quy định.

5. Hồ sơ kê khai thuế GTGT 

Hồ sơ kê khai thuế GTGT là một tập hợp các giấy tờ, chứng từ và tài liệu liên quan đến việc kê khai số thuế GTGT mà doanh nghiệp phải nộp hoặc được hoàn trả bởi cơ quan thuế. Hồ sơ kê khai thuế GTGT có thể được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc theo hình thức trực tuyến quan internet được quy định ở Thông tư 126.

Tuy nhiên, hồ sơ kê khai có thể khác nhau tùy theo phương pháp tính thuế GTGT mà đơn vị doanh nghiệp áp dụng. Có hai phương pháp tính thuế GTGT là phương pháp chiết khấu và phương pháp trực tiếp.

Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ (chiết khấu), hồ sơ kê khai thuế GTGT gồm:

  • Tờ khai thuế GTGT (theo mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 26)
  • Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra (theo mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 119)
  • Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào (theo mẫu số 01-2/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 119)
  • Các tài liệu, chứng từ liên quan đến việc kê khai thuế GTGT như:

- Giấy đề nghị hoàn thuế 
- Giấy xác nhận hoàn thuế, giấy xác nhận không hoàn thuế 
- Giấy xác nhận không còn điều kiện hoàn thuế 
- Giấy xác nhận đã bàn giao số thuế GTGT còn được hoàn…

Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp trực tiếp, hồ sơ kê khai thuế GTGT gồm:

  • Tờ khai thuế GTGT (theo mẫu số 03/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 156)
  • Các tài liệu, chứng từ liên quan đến việc kê khai thuế GTGT tương tự như phương pháp khấu trừ.

Dù doanh nghiệp dùng phương pháp nào đi nữa, việc nộp hồ sơ kê khai đúng hạn, đầy đủ và chính xác theo quy định của pháp luật là điều luôn luôn được đặt nên hàng đầu.

6. Cách kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp/gián tiếp 

Có hai phương pháp kê khai GTGT là phương pháp trực tiếpphương pháp gián tiếp. Trong đó:

Phương pháp kê khai GTGT trực tiếp là phương pháp tính dựa trên tỷ lệ thuế GTGT được quy định cho từng loại hàng hóa, dịch vụ. Phương pháp này được dùng cho các đối tượng có doanh thu hàng dưới 1 tỷ đồng hoặc không có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định. Cách tính thực hiện như sau:

Lưu ý: Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp theo phương pháp này.

Số thuế GTGT phải nộp=Doanh thuxTỷ lệ % thuế suất thuế GTGT

Trong đó:

  • Doanh thu tính thuế GTGT được xác định là tổng số tiền từ bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm: phí thu thêm, các khoản phụ thu,... mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
  • Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu sẽ được xác định theo 04 mức: 1%, 2%, 3% và 5%.

Phương pháp kê khai GTGT gián tiếp là phương pháp tính dựa trên khoản chênh lệch của số thuế GTGT đầu ra và số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Áp dụng cho các đối tượng có doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng hoặc có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định. Các bước thực hiện như sau:

Thuế GTGT phải nộp=Số thuế GTGT đầu ra-Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

  • Số thuế GTGT đầu ra sẽ bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn GTGT
  • Số thuế GTGT đầu vào bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa dịch vụ, bao gồm cả số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài; tài sản cố định, được dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

cach-ke-khai-thue-gtgt

7. Hướng dẫn kê khai thuế GTGT qua mạng 

Kê khai thuế GTGT qua mạng là hình thức kê khai thuế GTGT bằng phần mềm máy tính và gửi dữ liệu qua mạng internet đến cơ quan thuế. Đây là hình thức kê khai thuế GTGT được khuyến khích, tiện lợi, nhanh chóng và an toàn cho người nộp thuế. Để khai báo được theo phương thức trên, các bạn thực hiện theo các bước sau:

  • Đăng ký sử dụng dịch vụ kê khai thuế điện tử trên trang web của Tổng cục Thuế, người nộp thuế cần có mã số thuế, chứng thư số, địa chỉ email và số điện thoại để đăng ký.
  • Tải về và cài đặt phần mềm hỗ trợ kê khai thuế từ trang web của Tổng cục Thuế. Bạn nhớ chọn phiên bản phù hợp với hệ điều hành của máy tính.
  • Mở phần mềm hỗ trợ kê khai thuế và nhập các thông tin cần thiết để kê khai thuế GTGT như mã số thuế, tên người nộp thuế, kỳ kê khai, số tiền thuế GTGT phải nộp hoặc được hoàn lại,...
  • Kiểm tra lại các thông tin đã nhập và lưu file kê khai thuế GTGT dưới định dạng file XML
  • Đăng nhập vào trang web của Tổng cục Thuế bằng tài khoản đã đăng ký và chọn chức năng Gửi tờ khai. Sau đó, chọn file XML đã lưu và gửi đi. Hệ thống sẽ gửi trạng thái thành công hoặc không thành công.

Kê khai thuế GTGT là nghĩa vụ của mọi đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Để kê khai thuế GTGT đúng luật, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về phương pháp tính thuế, hạn nộp, hồ sơ kê khai và cách kê khai bổ sung.

Bài viết trên Gia Đình Kế Toán đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về kê khai thuế GTGT và các vấn đề xoay quanh. Hy vọng bạn sẽ áp dụng được những kiến thức này vào thực tế và hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế của mình. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm:

Biên tập viên
Tác giả Biên tập viên Admin
Bài viết trước Kê khai các tài khoản thuế trong doanh nghiệp

Kê khai các tài khoản thuế trong doanh nghiệp

Bài viết tiếp theo

Nguyên Tắc Kế Toán Là Gì? 7 Nguyên Tắc Kế Toán Cần Nắm Được

Nguyên Tắc Kế Toán Là Gì? 7 Nguyên Tắc Kế Toán Cần Nắm Được
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo