Các Dạng Bài Tập Tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân (TNCN) Có Lời Giải

Tác giả 19/07/2024 29 phút đọc

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản tiền mà người lao động phải trích nộp một phần từ tiền lương, hoặc từ các nguồn thu nhập khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Thuế thu nhập cá nhân là một khoản thu công bằng với mọi đối tượng và góp phần làm giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo bởi khoản thuế này không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp. 

Bài tập về thuế thu nhập cá nhân là dạng bài tập rất quan trọng trong các kỳ thi công chức thuế. Hãy cùng Gia Đình Kế Toán tìm hiểu về các dạng bài tập tính thuế thu nhập cá nhân có lời giải sau.

Có thể bạn quan tâm: Nên Học Kế Toán Online Hay Offline? Học Ở Đâu Tốt? 

I. Cách Tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân 

Trước khi tìm hiểu về các dạng bài tập tính thuế TNCN hãy điểm qua các cách tính thuế TNCN. Để tính thuế TNCN cần phải xác định xem đối tượng áp dụng là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú và hợp đồng lao động là dài hạn (trên 3 tháng) hay ngắn hạn (dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động) 

1. Cách tính thuế TNCN đối với cá nhân cư trú 

a. Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên 

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế * Thuế suất 

Trong đó: 

  • Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
  • Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - Các khoản thu nhập không chịu thuế - Các khoản thu nhập được miễn thuế
  • Tổng thu nhập là số tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động bao gồm: Tiền lương, tiền công, các khoản có tính chất như tiền công, tiền lương dưới hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền hay các khoản trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng,... 

b. Cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng 

Căn cứ theo quy định tại Điều 25, Thông tư 111/2013/TT-BTC, trường hợp người lao động là cá nhân không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng sẽ bị khấu trừ thuế với mức 10% trên thu nhập 

Thuế TNCN phải nộp = Tổng thu nhập trước khi trả * 10%

2. Cách tính thuế TNCN đối với cá nhân không cư trú

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 18, Thông tư 111/2013/TT-BTC 

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân như sau: 

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế * 20% 

Với thu nhập chịu thuế là tổng các khoản tiền công, tiền lương, các khoản thu nhập khác có tính chất như tiền công, tiền lương mà cá nhân không cư trú nhận được trong kỳ thuế. 

Trong trường hợp cá nhân không cư trú ký hợp đồng thử việc và có tổng thu nhập từ 2.000.000 VNĐ/ lần trở lên thì sẽ phải khấu trừ thuế TNCN với mức thuế suất là 10% 

3. Các bậc tính thuế thu nhập cá nhân

Hiện nay, ở nước ta có 7 cấp bậc tính thuế TNCN (dựa trên thu nhập theo tháng) theo phụ lục số 01/PL-TNCN, cụ thể:

Bậc Thu nhập tính thuế TNCN/ tháng Thuế suất 
1Đến 5.000.000 5%
2Trên 5.000.000 đến 10.000.000 10%
3Trên 10.000.000 đến 18.000.00015%
4Trên 18.000.000 đến 32.000.00020%
5Trên 32.000.000 đến 52.000.00025%
6Trên 52.000.000 đến 80.000.00030%
7Trên 80.000.00035%

Xem chi tiết: Cách tính thuế TNCN theo phương pháp lũy tiến từng phần

II. Các Dạng Bài Tập Tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân - Có lời giải 

Bài tập tính thuế thu nhập cá nhân

1. Bài tập tính thuế thu nhập cá nhân: Dạng 1

Sau khi biết cách tính thuế TNCN đối với các cá nhân cư trú hoặc không cư trú, chúng ta cùng tìm hiểu về một số dạng bài tập tính thu nhập cá nhân. 

Chị Thu là cá nhân cư trú làm việc tại công ty TNHH A, trong năm tính thuế 20X5, chị Thu nhận được các khoản thu nhập sau: 

1. Tiền lương theo hợp đồng lao động đã ký kết (đã trừ bảo hiểm bắt buộc trích theo quy định): 30 triệu đồng/ tháng.

2. Thù lao tư vấn sau khi đã khấu trừ tại nguồn: 18 triệu đồng.

3. Tiền thưởng sáng chế (Sáng chế đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận): 40 triệu đồng.

4. Phụ cấp chức vụ: 38 triệu đồng/ năm

5. Các khoản hỗ trợ nhận được từ công ty trong năm:

- Hỗ trợ ăn trưa: 8.760 triệu đồng 

- Hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho con gái: 20 triệu đồng 

- Hỗ trợ trang phục: 4 triệu đồng 

6. Lãi tiền gửi ngân hàng: 40 triệu đồng

7. Thu từ chuyển nhượng chứng khoán: 800 triệu đồng

8. Tiền cho thuê nhà nhận được trong năm 180 triệu đồng. Chị Thu trích 5 triệu đồng làm từ thiện.

9. Thu nhập từ bồi thường nhận được từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ: 15 triệu đồng.

Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền trị giá 120 triệu đồng được ký kết tháng 12 năm 20X4. Theo hợp đồng, việc thanh toán được chia làm 2 lần: 1 lần thanh toán trong tháng 12 năm 20X4, số tiền thanh toán: 70 triệu đồng, lần 2: thanh toán trong tháng 1 năm 20X5, số tiền thanh toán: 50 triệu đồng. Năm 20X5 chị Thu nhận được tiền thanh toán theo đúng như thỏa thuận ghi trong hợp đồng.

Yêu cầu: Xác định thuế TNCN mà chị Thu phải nộp trong năm tính thuế 20X5, biết: 

- Chị Thu kê khai người phụ thuộc gồm một con 5 tuổi, một con 3 tuổi một con sinh trong tháng 7/20X5 và mẹ đẻ 70 tuổi. Hàng tháng mẹ đẻ nhận được khoản lãi từ tiền gửi ngân hàng là 1.2 triệu đồng 

- Thuế suất thuế TNCN đối với việc chuyển nhượng chứng khoán là 0.1% 

- Mức giảm trừ gia cảnh áp dụng đối với mọi người nộp thuế 9 triệu đồng trên tháng, đối với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng trên tháng 

- Thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ bản quyền là 5% 

- Tỷ lệ thuế TNCN đối với hoạt động cho thuê tài sản là 5% 

Lời giải: 

a. Tính mức thu nhập chịu thuế và không chịu thuế từ tiền công, tiền lương (Đvt: triệu đồng)

Thu nhập Chịu thuế Không chịu thuế 
Tiền lương (30 tr *12 )360 
Thù lao tư vấn Net → Gross= 18/(1-10%)20  
Thưởng sáng chế  40
Phụ cấp chức vụ 38 
Hỗ trợ ăn trưa  8.760
Hỗ trợ khám bệnh hiểm nghèo cho con gái chị Thu  20
Hỗ trợ trang phục  4
Tổng cộng 41873.6 

b. Xác định khoản giảm trừ 

Giảm trừ bản thân chị Thu: 9*12 = 108 

Giảm trừ cho người phụ thuộc: 

Con 2 tuổi và con 5 tuổi: 2*12*3.6 = 86.4 

Con mới sinh từ tháng 7: 3.6*6 = 21.6

Mẹ 70 tuổi sẽ không được giảm trừ do có khoản lãi tiền gửi tiết kiệm 1.2 triệu đồng / tháng 

→ Tổng giảm trừ = 108 + 86.4 + 21.6 = 216 (triệu đồng) 

c. Thu nhập tính thuế = 418 - 216 = 202 (triệu đồng/năm)

→ Thu nhập tính thuế/tháng = 202/12 = 16.83 

→ Thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của chị Thu là: (16.83*15%-0.75)*12 = 21.3 ( triệu đồng) 

d. Xác định khoản thu nhập được miễn thuế 

Tiền bồi thường nhận từ bảo hiểm nhân thọ: 15 triệu → miễn thuế 

Lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng: 40 triệu → miễn thuế 

e. Thuế TNCN từ cho thuê nhà = 180*5% = 9

f. Thuế TNCN từ việc chuyển nhượng bản quyền = 50*5% = 2.5 

g. Thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán = 800*0.1% = 0.8 

Vậy, tổng cộng thuế TNCN phải nộp của chị Thu là: 21.3 + 9 + 2.5 + 0.8 = 33.6 ( triệu đồng)

»»»»» TOP 10 Khóa Học Kế Toán Ở Đâu Tốt Nhất Hiện Nay 

2. Bài tập tính thuế thu nhập cá nhân: Dạng 2

Ông Bình có hộ khẩu thường trú tại TP HCM làm việc trong một doanh nghiệp liên doanh, trong năm tính thuế 20X2 có tình hình thu nhập như sau: 

1. Tổng tiền lương sau khi trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc: 790 triệu đồng

2. Trợ cấp bệnh nghề nghiệp: 10 triệu đồng

3. Phụ cấp độc hại: 20 triệu đồng

4. Tiền công làm thêm giờ: 120 triệu đồng (làm thêm giờ được chi trả ở mức 200%)

Yêu cầu: Xác định thuế TNCN Ông Bình phải nộp trong năm tính thuế 20X2, biết rằng:

- Ông Bình khai người phụ thuộc gồm 1 con dưới 18 tuổi và mẹ đẻ 70 tuổi. Trong năm 20X2 mẹ đẻ trúng xổ số trị giá 50 triệu đồng.

- Mức giảm trừ gia cảnh áp dụng đối với người nộp thuế 9 triệu đồng/tháng; đối với người phụ phụ thuộc là 3.6 triệu đồng/người/tháng 

- Thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ trúng thưởng là 10%

- Thuế suất TNCN từ đầu tư vốn là 5%

- Tỷ lệ thuế TNCN đối với hoạt động cho thuê tài sản là 5%

Lời giải 

a. Xác định thu nhập tính thuế và không chịu thuế của ông Bình trong năm 20X2 

Thu nhập Chịu thuế Không chịu thuế 
Tiền lương sau khi trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc 700 
Phụ cấp bệnh nghề nghiệp  10
Phụ cấp độc hại  20
Tiền làm thêm giờ 6060
Tổng cộng 76090 

b. Xác định các khoản giảm trừ thuế TNCN 

Giảm trừ bản thân: 9*12 = 108 

Giảm trừ người phụ thuộc: 

- Con dưới 18 tuổi: 3.6*12 = 43.2

- Mẹ đẻ 70 tuổi không được giảm trừ do có tiền trúng số trị giá lớn hơn 1 triệu/tháng 

→ Tổng cộng giảm trừ = 108 + 43.2 = 151.2 

c. Thu nhập tính thuế = 760 - 151.2 = 608.8 

→ Thu nhập tính thuế/tháng = 608.8/12 = 50.73 

Vậy thuế TNCN phải từ tiền lương phải nộp là: (50.73*25%-3.25)*12 = 113.2

Trên đây Gia Đình Kế Toán đã hướng dẫn các bạn cách tính thuế thu nhập cá nhân thông qua một số bài tập thực hành. Mong rằng qua bài viết các bạn đã biết cách tính thuế TNCN chính xác 

Tham khảo thêm: 

Tác giả Admin
Bài viết trước Các dạng bài tập nguyên lý kế toán có lời giải

Các dạng bài tập nguyên lý kế toán có lời giải

Bài viết tiếp theo

Quy Định Về Ký Hiệu Hóa Đơn Điện Tử Mới Nhất

Quy Định Về Ký Hiệu Hóa Đơn Điện Tử Mới Nhất
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo